CHÚ GIẢI TIN MỪNG
THỨ TƯ SAU LỄ HIỂN LINH
TIN MỪNG: Mc 6,45-52
Noel Quesson - Chú Giải
Bài đọc I: 1 Ga 4,11-13
Nếu Thiên Chúa yêu thương chúng ta dường ấy.
Ban tặng chính Con Người.
Cái chết tự nguyện, vì tình yêu, của Con Người.
Đừng lướt qua quá mau những lời này.
"Vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta đến nỗi đã ban Con Mình cho chúng ta …"
"Dù sự chết, dù tội lỗi cũng không dứt ta ra được".
"Với tình yêu đến từ Thiên Chúa".
Tôi dừng lại với việc chiêm niệm này.
"Chúng ta cũng phải yêu thương nhau".
Mối tình chúng ta yêu anh em không chỉ là tình cảm tự nhiên, bộc phát từ một nhu cầu tình yêu nhân loại… Đây không chỉ là một phản xạ chỉ cần để tự bày tỏ là đủ… đây là một "bổn phận": chúng ta phải thương yêu nhau.
Và điều đó bởi Thiên Chúa : "Nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, chúng ta cũng phải…" chúng ta không thể làm ít hơn Thiên Chúa. Đây là tình yêu tuyệt đối, vô cùng phổ quát… như tình yêu của Thiên Chúa.
Chẳng ai thấy Thiên Chúa bao giờ, nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở trong chúng ta.
Ý nghĩa thật rõ rệt: Thiên Chúa vô hình đã nên hữu hình nhờ tình yêu chân thật.
Mỗi lần tôi thật sự yêu thương là tôi làm cho thấy được Thiên Chúa. Thiên Chúa đó. Thiên Chúa nên hữu hình trong gia đình tôi, trong môi trường làm việc mà vì tình yêu tôi tự đặt mình vào.
Thỉnh thoảng tôi mơ ước biến đổi những lo lắng, mẫu sống, cách dùng thời giờ của tôi. Nhưng chính lòng tôi là cái phải đổi mới : Lạy Chúa, xin cho biết yêu thương ở nơi con sống, theo hoàn cảnh của con, những người ở đó … "Thiên Chúa ở giữa, nếu chúng ta yêu thương nhau".
Còn chúng ta, chúng ta đã biết và tin nơi tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta.
Đúng vậy. Nhận biết, định chỗ. Quá thường khi chúng ta không biết nhận ra tình yêu của Thiên Chúa. Người ở đó mà chúng ta không biết Người.
Thiên Chúa là tình yêu.
Còn tôi, tôi thường ngược lại. Tôi ích kỷ. Từng tội tôi phạm là một phản bội tình yêu.
Lạy Chúa, Chúa là tình yêu, xin đến trong con. Xin giải gỡ mọi khả năng yêu thương của con.
Ai ở trong tình yêu thì ở trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở trong họ.
Ở trong Thiên Chúa, ở trong tình yêu.
Sẽ là nguồn vui bất diệt, nếu chúng ta tiến tới việc đó.
Người thế nào, thì chúng ta cũng thế ấy ở thế gian này. Nơi tình thương không có sự sợ hãi… Và người nào sợ hãi thì không hoàn hảo trong tình thương.
Chúa Giêsu đã không sợ Thiên Chúa, Người là khuôn mẫu của chúng ta. Thánh Gioan mời gọi chúng ta hủy bỏ mọi sự sợ sệt trước Thiên Chúa. Chỉ có tình yêu thúc bách chúng ta hành động.
Lạy Chúa, xin cho chúng con sự vững tin này. Con không muốn phải sợ Chúa, cả sự phán xét của Chúa… Con chỉ muốn yêu mến Chúa.
Bài đọc II: Mc 6,45-52
Đi trên nước : một dấu lạ mới. Nó có ý nghĩa gì? Qua dấu lạ này Thiên Chúa muốn nói với chúng ta điều gì?
(Khi năm ngàn người được ăn no), Chúa Giêsu liền giục các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, mà đến Bếtsaiđa, đang khi Người giải tán dân chúng.
Cảnh trên cũng hàm chứa một ý tứ. Tại sao lại có thái độ hiếu kỳ như thế? Các tông đồ càng sẵn sàng góp phần tổ chức bữa ăn, như những "thực tác viên" (tiếng Hy Lạp có nghĩa là những "kẻ phục vụ"… thì các ông càng gặp cảnh chưa sẵn sàng khai thông được những tâm tình nhiệt thành quá hiếu thắng, những hiểu lầm nổi lên trong đám đông đang cuồng nhiệt trước phép lạ: Họ muốn tôn Chúa Giêsu lên làm vua (Ga 6,15).
Nguy cơ này luôn mang tính hiện thực : đó là nguy cơ lẫn lộn giữa cái tạm thời và cái tôn vinh, giữa chính trị và tôn giáo.
Đối với các thừa tác viên của Giáo Hội, đóng khung trong cái tạm thời là một thử thách khủng khiếp, một sự việc đáng sợ ! Nghĩa là nguy cơ lấy phương tiện làm mục đích, nguy cơ bỏ qua những công tác chính yếu của Giáo Hội… nguy cơ lấn sang lĩnh vực "tự trị cần thiết" của các công việc trần gian (Công đồng Vatican II).
Vì cảm thấy các tông đồ chưa đủ trưởng thành để phân biệt đúng đắn, vì nghĩ rằng các ông có thể tự mình đi theo chiều hướng tự nhiên của đám đông, Chúa Giêsu đã bó buộc họ phải ra đi. Vì tất cả họ đều sẵn sàng để đám đông cầm giữ cuốn hút. Còn chính Người ở lại đảm trách việc ổn định lại mọi sự.
Giải tán họ xong, Người lên núi cầu nguyện.
Đây là dấu chỉ thứ hai.
Đối với Chúa, đó cũng là điều cốt yếu.
Đó cũng là sự đói khát thiết thân của con người, như Chúa sẽ nói trong Tin Mừng (Ga 6,27). Chính đó mới là của ăn không hề hư nát. Và trong công tác này, Giáo Hội giữ vai trò không gì có thể thay thế được. Khi Giáo hội dấn thân trong lĩnh vực trần thế, chúng ta cần ý thức rằng, thực ra đó chỉ là một sự bổ túc tạm thời : nó không bao giờ là một việc chính yếu, được phân bổ như một công tác chỉ có Giáo hội phải đảm nhận thi hành.
Chiều đến, thuyền đã ra giữa biển, còn Người thì một mình ở trên đất. Người thấy họ khó nhọc chèo chống vì gió ngược, Người đi trên mặt biển mà đến với họ, khoảng canh tư đêm tối...
Một đêm tối với những cố gắng kiệt lực..
Một thử thách phải chèo chống ngược chiều gió.
Đó thường là vẻ bề ngoài của công tác Giáo hội.
Xét về phương diện nhân loại, họ đang làm điều họ có thể thi hành, cho đến khi Chúa Giêsu đến.
"Ngài muốn vượt qua họ"
Biểu tượng trên đây cũng để kích thích ta tìm hiểu. Cũng vào buổi chiều ngày lễ Vượt qua. Chúa Giêsu sẽ giả bộ đi xa hơn" khiến các môn đệ làng Emmau phải bàng hoàng (Lc 24,28).
Thiên Chúa hay gây ngỡ ngàng. Người không đáp ứng hoàn toàn như điều người ta chờ đợi. Luôn luôn Người vượt qua chúng ta ! Lạy Chúa, xin chấp nhận để con được Chúa gây ngỡ ngàng.
Họ bắt đầu la hoảng lên, nên Người lên tiếng bảo họ rằng: "Hãy yên trí, chính Ta đây, đừng sợ. Rồi Người lên thuyền họ và gió im lặng.
Có Chúa hiện diện.
Tâm hồn họ lại càng sửng sốt hơn, vì họ chưa hiểu gì về vấn đề bánh: lòng họ còn mù tối.
Xin hãy mở rộng tâm hồn chúng con trước những dấu lạ.
Giáo phận Nha Trang - Chú Giải
Đức Giêsu đi trên biển
Lập tức, Đức Giêsu bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia về phía thành Bết-xai-đa trước, trong lúc Người giải tán đám đông. Sau khi từ biệt các ông, Người lên núi cầu nguyện. Chiều đến, chiếc thuyền đang ở giữa biển hồ, chỉ còn một mình Người ở trên đất. Người đi trên mặt biển mà đến với các ông và Người định vượt các ông. Nhưng khi các ông thấy Người đi trên mặt biển , lại tưởng là ma, thì la lên. Quả thế, tất cả các ông đều thấy Người và đều hoảng hốt. Lập tức , Người bảo các ông: "Cứ yên tâm, chính thầy đây đừng sợ!" Người lên thuyền với các ông và gió lặng. Các ông thấy bàng hoàng sửng sốt, vì các ông đã không hiểu ý nghĩa phép lạ bánh hóa nhiều : lòng trí các ông còn ngu nguội !
HOÀN CẢNH
Thấy phép lạ bánh hóa nhiều ,dân chúng tin Đức Giêsu là đấng tiên tri mà Mô-sê nói đến trong sách Đệ Nhị Luật (Đnl 28,15 ). Họ có ý định tôn Người lên làm vua để giải phóng họ khỏi ách nô lệ La Mã. Hiểu ý họ, D(ức Giêsu muốn tránh, nên đã truyền cho các môn đệ xuống thuyền trước, còn Người ở lại giải tán dân chúng , và lên núi mốt mình cầu nguyện.
Ý CHÍNH:
BÀI TIN Mừng hôm nay ghi lại phép lạ Chúa đi trên mặt để trình bày việc Người lấy uy quyền chế ngự thiên nhiên hầu củng cố niềm tin cho các môn đệ.
TÌM HIỂU:
"Lập tức, Đức Giêsu bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia…"
Nhận thấy lòng nhiệt thành mù quáng của dân chúng muốn tôn Người lên làm vua, Chúa Giêsu đã ra lệnh cho các môn đệ lánh đi nơi khác và Người giải tán dân chúng.
"… Người lên núi cầu nguyện": Việc Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện biểu lộ sự hiệp thông trong vâng phục của Người đối với Chúa Cha, và đồng thời cũng nói lên những việc Người làm là do bởi ý định và quyền năng của Chúa Cha.
"Chiều đến…"
Câu này diễn tả phép lạ của Chúa đi trên mặt biển.
"Người thấy các ông phải vất vả chèo chống…"
Chúa cảm thương sự vất vả và nguy hiểm của các môn đệ.
Chúa Cảm thương bằng hành động cụ thể là đến với các ông một cách bất ngờ.
Ơn Chúa ban, cần đón nhận bằng đức tin,nên Chúa định vượt quá các ông để khơi dậy cho các môn đệ.
"nhưng khi các ông thấy người đi trên mặt biển…"
Đức tin khởi đầu còn yếu ớt, vì thế việc đi trên mặt biển là quá sức con người nên các ông tưởng nghĩ đó là ma.
"Cứ yên tâm chính thầy đây đừng sợ"
Đây là lời Chúa tự mạc khải về quyền năng về quyền năng thần linh của Người để trấn an các môn đệ và đồng thời để các ông nhận thức được rằng Đấng ban sự sống qua phép lạ hóa bánh ra nhiều, cũng là Đấng chiến thắng sự dữ qua phép lạ đi trên mặt biển.
"Người lên thuyền với các ông và gió lặng":
Có sự hiện diện của Chúa là có s75 bảo đảm an toàn.
Sở dĩ các môn đệ bàng hoàng sửng sốt là vì các ông chưa hiểu phép lạ hóa bánh ra nhiều, nên đức tin còn yếu ớt. Phép lạ này để củng cố đức tin cho các ông.
NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG :
Nhìn vào Chúa Giêsu :\
1. Xem việc Người làm :
- Người lên núi cầu nguyện :
+ Thái độ sống của Chúa Giêsu cho thấy Người luôn quên mình: sống cho chúa Cha và sống với kẻ khác.
Chính vì biết sống quên mình mà Người đã vất vả từ sáng tới tối, chẳng nghĩ đến việc nghỉ ngơi và lấy lại sức khỏe.Cả ngày Người lo dạy dỗ dân chúng vì thương họ. Chiều đến Người làm phép lạ hóa bánh ra nhiều nuôi dưỡng họ và chính Người lo giải tán họ. Thế mà người vẫn không quên dành thời giờ cho Chúa Cha bằng việc một mình lên núi cầu nguyện. Rồi tuy ở xa môn đệ Người không quên lưu tâm đến họ và lập tức đến, cứu giúp khi họ gặp nạn trên biển.
Mẫu gương sống quên mình của Chúa ở đây là mẫu gương soi cho mỗi người tông đồ chúng ta.
+ Sau công việc tông đồ vất vả vì dân chúng đến rất đông,và sau chiến dịch bác ái phục vụ làm phép lạ hóa bánh ra nhiều nuôi trên năm ngàn người ăn no. Chúa Giêsu không tìm thỏa mãn tâm đắc và nghỉ ngơi, nhưng Người lên núi cầu nguyện.
Noi gương Chúa Người tông đồ không được vui say trước những thành quả trước mắt hoặc không được tiêu cực trong cô đơn sau khi giải tán dân chúng xong, nhưng phải tìm nơi thanh vắng cầu nguyện, học hỏi thêm và tìm sức sống nơi Chúa.
- Người đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ đang mệt mỏi vì chèo thuyền ngược gióvà nguy hiểm.Người đã đích thân đến với các ông để khích lệ và giúp đỡ.
Chúng ta tin tưởng vào Chúa đang nhìn thấy và khích lệ,Cứu giúp mỗi khi chúng ta gặp vất vả và khó nhọc trong công việc, trong hoàn cảnh trong môi trường và cuộc sống
Người định vượt các ông… :
Cử chỉ này cũng được diễn ra vào buổi chiều ngày lễ vượt Qua khi Chúa Giêsu "giả vờ đi xa hơn " (x Lc24,28) khiến hai môn đệ làng Emmau phải bàng hoàng.
Thiên Chúa hay gây ngỡ ngàng để kích thích đức tin của chúng ta. Người không đáp ứng hoàn toàn như điều chúng ta chờ đợi để đòi hỏi chúng ta cộng tác phần của mình và tha thiết gắn bó với người hơn.
2. Nghe lời Chúa nói :
"Cứ yên tâm thầy đây đừng sợ" Lời chấn an ngày Chúa cũng nói với chúng ta khi chúng ta gặp nguy khốn, vất vả ,thử thách vì Chúa luôn sống bên cạnh chúng ta : " Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế" hãy tin vào tình thương và quyền năng của Chúa trong mọi nơi, mọi lúc và mọi việc
Nhìn vào các môn đệ :Các môn đệ vất vả chéo chống con thuyền ngược gió :
Người Kitô Hữu theo Chúa, làm việc của Chúa luôn luôn vất vả và khó nhọc nhưng có Chúa, Người thấy và sẵn sàng cứu giúp. Chúa giúp chúng ta nhưng muốn chúng ta làm theo sức của mình, nên ở đây Chúa đến với các môn đệ vào khoảng canh tư đêm ấy.
Các Môn đệ thấy Chúa trên mặt biển lại tưởng làm nên la lên
Các môn đệ không hiểu phép lạ hóa bánh ra nhiều nên các ông còn ngu muội chúng ta cần học hỏi tìm hiểu và suy niệm về những phép lạ của Chúa những công trình Chúa làm nơi lịch sử nhân loại,nơi vũ trụ vạn vật và nơi cuộc sống con Người chúng ta để nhận ra Chúa và tín thác vào Chúa.
Chúa tỏ mình ra qua phép lạ hóa bánh ra nhiều và phép lạ đi trên mặt biển, giờ đây Chúa cũng tỏ mình qua phép lạ hóa bánh thành Mình Chúa và rượu thành Máu Người. Chúng ta hãy tin tưởng và đón nhận Chúa vào lòng.